Những ngày tháng Chạp này, đến các xã Long Hậu, Tân Phước, Tân Thành (Lai Vung, Đồng Tháp)… nơi nào cũng thấy quít đỏ rợp vườn, cây nào cũng trĩu quả, no tròn và mọng nước. Đặt chân vào vườn, du khách cảm thấy như mùa xuân đã về…

Lai Vung từ lâu đã được người miền Tây phong tặng cho danh hiệu “vương quốc quít hồng”. Điều đó thật không ngoa chút nào vì tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hiện chưa có nơi nào diện tích trồng quít hồng lên tới gần 2.000 ha và hàng năm tung ra thị trường trên 40.000 tấn trái để phục vụ cho mùa tết.

Kể từ 10 năm qua, đăc biệt là từ năm 2010, thương hiệu “quít hồng Lai Vung” đã lan tỏa đi các nơi trong nước và còn theo chân Việt kiều vượt đại dương sang các nước châu Á, châu Âu.

Sở dĩ cây quít hồng (còn gọi là quít tiều son) Lai Vung nổi tiếng, một phần là nhờ khí hậu và thổ nhưỡng thích nghi đã giúp cho cây trái sum sê, chất lượng thơm ngon ít nơi nào bì kịp.

Vừa đặt chân vào vườn, du khách cảm thấy như bước váo một khu vườn cổ tích. Càng nhìn càng say mê vì ít có một loại trái cây nào màu sắc thanh tân, rực rỡ và giàu ấn tượng mỹ cảm như quít hồng Lai Vung này.

Đến các xã Long Hậu, Tân Phước, Tân Thành… những ngày này, nơi nào cũng thấy quít đỏ rợp vườn, cây nào cũng trĩu quả, no tròn và mọng nước. Nắng xuân như tràn ngập trên các nẻo đường, trên những tàn cây, những chùm quít nõn nà, vàng ươm, óng ả.

Mặc dù còn hai tuần nữa mới tới kỳ hái trái, nhưng các chủ vườn đã rộn ràng chuẩn bị thùng mốp, bao bì để bảo đảm an toàn chất lượng sau khi thu hoạch. Các thương lái cũng bắt đầu hợp đồng với giá trội hơn năm rồi khiến các chủ vườn ai nấy đều niềm nở vui cười, lòng tràn đầy phấn khởi.

cam

Ông Đặng Văn Thuấn, một nông dân ở ấp Tân Thành, xã Tân Phước, người đã nhiều năm gắn bó với cây quýt hồng cho biết: rút kinh nghiệm từ nhiều năm trước, bà con Lai Vung đã biết áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào việc xử lý trái nên đa số nhà vườn đều thu hoạch đúng tết.

Theo ông, người ta mua quít hồng chủ yếu để chưng, cúng và làm quà biếu cho bạn bè, người thân. Theo quan niệm của người Á Đông, màu đỏ tươi thắm là màu may mắn và hạnh phúc. Và màu quít hồng cũng tượng trưng cho niềm tin và hi vọng đó nên nhà nào cũng chọn để chưng Tết.

Cũng như hoa mai, quít hồng phải chào hàng đúng vào những ngày đầu xuân, không quá sớm cũng không quá trễ. Nhiều nghệ nhân hoa kiểng ở Lai Vung còn có sáng kiến đưa quít hồng vào chậu và xử lý cho ra trái rất đẹp để bán cho người yêu thích kiểng trái.

Ông Phan Thanh Tùng, chủ một vườn quít 15 công ở xã Tân Thành cho biết tuy năm nay sản lượng thua năm rồi chút ít nhưng bù lại quít năm nay chất lượng tốt hơn, giá cả ổn định hơn năm rồi. Thị trường quít tết cũng đang bắt đầu khởi động với chiều hướng thuận lợi nên gia đình ông hy vọng sẽ được một mùa bội thu.

cam2

Vào thời điểm này, đến “vương quốc” quít hồng Lai Vung, đi tới nhà vườn nào cũng thấy không khí chuẩn bị hàng tết trở nên rộn ràng tất bật. Trên gương mặt những người nông dân tuy vất vả đêm ngày nhưng  lòng rất tự tin, ai nấy cũng đều đặt hết hi vọng vào mùa quít Tết Giáp Ngọ sẽ hoàn toàn thắng lợi.